Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND xã Phong Hải
Nhiều diện tích lúa ở Phong Điền bị sâu bệnh và có nguy cơ lây lan diện rộng
Ngày cập nhật 05/04/2023
Người nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng

 Đến nay, diện tích lúa gieo sạ trà đầu vụ Đông Xuân trên địa bàn huyện Phong Điền đang giai đoạn trổ vè khoảng 265ha, diện tích còn lại đang giai đoạn làm đòng và chuẩn bị trổ. Dự kiến lúa trổ đại trà từ 10/4-20/4. Nhìn chung cây lúa sinh trưởng, phát triển khá tốt. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện các đối tượng sinh vật gây hại lúa, như: Bệnh đạo ôn lá; bệnh khô vằn; bệnh vàng lá, đốm sọc vi khuẩn; sâu cuốn lá; rầy các loại…

     Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền, cho biết: “Để tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo người dân chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây lúa, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền đã cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp xử lý sâu bệnh và hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trên diện rộng”.

     Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đề nghị UBND các xã, các Hợp tác xã, đơn vị sản xuất nông nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện một số nội dung:

     Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt: Tiến hành phun phòng trừ trên toàn bộ diện tích khi lúa trổ vè thưa 3-5% và sau khi lúa trổ xong (phun sau lần 1 khoảng 7 ngày) bằng một trong các loại thuốc như sau: Đối với bệnh lem lép hạt dùng thuốc Tilt Super 300EC, NeVo 330EC, Anvil 5SL,… Bệnh đạo ôn cổ bông dùng các loại thuốc như: Fuj-One 40WP, Beam 75WP, Map Famy 700WP… Sau khi phun nếu gặp mưa dông thì phải phun lại lần 2 liền kề ngay hôm sau để ngăn ngừa nấm bệnh xâm nhiễm gây hại.

    Đối với bệnh khô vằn: Chỉ đạo phun trừ khi bệnh mới chớm phát sinh gây hại, đặc biệt các chân ruộng gieo sạ dày, bón phân không cân đối, ruộng thấp trũng… bằng các loại thuốc như: Validacin 3L, 5L, Valivithaco 3SL, Vivil 5SC,…

     Đối với bệnh vàng lá, đốm sọc vi khuẩn: Xử lý cục bộ trên các chân ruộng bị nhiễm bệnh bằng một trong các loại thuốc như: Xantocin 40WP, Totan 200WP, Visen 2SC, Map Lotus 125WP,…

 

Nông dân Phong Điền tăng cường chăm sóc ruộng lúa

Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Dự kiến sâu non lứa gối sẽ nở kéo dài từ ngày 07/4/2023-15/4/2023, cần tăng cường kiểm tra, theo dõi, đánh giá mật độ để chỉ đạo phun trừ nơi có mật độ cao bằng các loại thuốc như: Vitako 40WP, Chief 260EC, Map Winner 10WG, Dylan 2EC, Map Permethrin 50EC,… Sau phun từ 2-3 ngày kiểm tra nếu tỷ lệ sâu chết thấp thì phải tiến hành phun lại lần 2.

     Đối với rầy các loại: Dự báo rầy sẽ nở và gia tăng mật độ sau ngày 10/4/2023 trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, chiều tối có mưa rào và dông, gây hại lúa giai đoạn trổ-chắc xanh-chín sáp. Lưu ý các ổ dịch của vụ trước và các giống nhiễm. Cần kiểm tra kỹ để xử lý rầy khi có mật độ cao (>1.500 con/m2 tương đương 2-3 con/dãnh), phun trừ bằng một trong các loại thuốc: Chess 50WG, Acnipyram 50WP, Nitensuper 500WP, Chery 70WG, Map Sun 500WP,…

     Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền khuyến cáo, nông dân cần thường xuyên theo dõi đồng ruộng, diễn biến thời tiết, tình hình các đối tượng sinh vật gây hại, để có biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời. Người dân cần tổ chức diệt chuột bằng mọi biện pháp phù hợp (trừ giăng điện) để hạn chế thiệt hại.

phongdien.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 7